Tác giả: PGS.TS. Phan Huy Đường (Chủ biên)

Công ty xuất khẩu lao động và dịch vụ thương mại Biển Đông (TP Hồ Chí Minh) thông tin định hướng cho người lao động trước khi sang Nhật Bản. Ảnh: NGUYỄN TRÚC

Trong thời gian tới, cánh cửa để người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc được dự báo sẽ rộng mở hơn, với nhiều sự lựa chọn, đa dạng ngành nghề và thu nhập cao hơn. Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa thông báo kế hoạch tuyển chọn người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) đợt 1 năm 2024 với số lượng dự kiến hơn 15.000 người. Các thị trường lao động khác như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore cũng có nhu cầu tuyển chọn số lượng lao động lớn; trong khi đó, các nước như Australia, Đức, Canada... cũng đang thiếu hụt nhân lực có tay nghề về an sinh xã hội, điều dưỡng, nông nghiệp, xây dựng, cơ khí...

Nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" mới được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, một trở ngại đáng chú ý là nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ; chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao; công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam tại các nước, vùng lãnh thổ còn nhiều bất cập; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động xuất khẩu, cần giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp; chú trọng kết nối doanh nghiệp với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo nguồn lao động chất lượng. Ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với những cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có vai trò quan trọng trong đào tạo người lao động, vì vậy, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc quy định của luật, phải có cơ sở đào tạo hoặc liên kết đào tạo theo mô hình chuẩn...

Ngoài ra, các địa phương cần lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực, uy tín trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế trên đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nghề, kỹ năng cho người lao động trước khi đưa họ đi làm việc. Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco) tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Công ty luôn ưu tiên chất lượng mà không theo số lượng, thậm chí khi nghiệp đoàn yêu cầu đi nhanh, Công ty sẽ từ chối nếu người lao động chưa được đào tạo đầy đủ. Theo đó, Công ty chú trọng làm tốt công tác đào tạo người lao động về chuyên môn, ngoại ngữ và lòng tự hào dân tộc, để từ đó người lao động có ý thức phấn đấu, rèn luyện cho bản thân và tương lai.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng thông tin, năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài...

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.